Tấm lợp lấy sáng loại nào tốt? 3 loại dùng nhiều nhất hiện nay
Tấm Polycarbonate, tấm Composite và tấm Mica Acrylic là những tấm lợp lấy sáng được dùng thay thế cho những vật liệu truyền thống. Sử dụng tấm lợp lấy sáng sẽ đem đến cho bạn một không gian vô cùng thoáng đãng, rộng rãi, thoải mái.
Tấm lợp lấy sáng là gì?
Tấm lợp lấy sáng hay còn được gọi là tấm lợp thông minh, được hiểu đơn giản là những vật liệu có khả năng cho ánh sáng truyền qua, thường đạt trên 90%. Người dùng có thể sử dụng loại vật liệu này để lấy ánh sáng tự nhiên cho các công trình xây dựng có diện tích lớn hoặc nhà ở thông thường.
Tấm lợp lấy sáng được ứng dụng rất phổ biến, thường được dùng để: Lợp mái che nhà ở, mái che hồ bơi, mái che khu vực nhà chờ công cộng, tấm lợp nhà kính trồng rau, lợp giếng trời.
Đặc điểm của tấm lợp lấy sáng
Cần nắm rõ những đặc điểm cơ bản của tấm lợp lấy sáng để tránh nhầm lẫn với những loại vật liệu khác.
- Trọng lượng nhẹ: Hầu hết những tấm lợp lấy sáng thường có trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều lần so với những vật liệu truyền thống.
- Màu sắc phong phú: Tấm lợp lấy sáng có rất nhiều màu khác nhau. Việc phủ màu cho tấm lợp không chỉ tăng tính thẩm mỹ cho công trình mà còn có tác dụng ngăn chặn các tia UV gây hại đến sức khỏe con người.
- Kiểu dáng đa dạng: Việc tạo ra những tấm lợp có kiểu dáng khác nhau nhằm giúp cho người dùng thoải mái lựa chọn. Đồng thời, tạo không gian đa chiều, gần gũi với thiên nhiên.
Tính năng ưu việt của tấm lợp lấy sáng
Sở dĩ tấm lợp lấy sáng ngày càng được ứng dụng nhiều bởi vì loại vật liệu này có nhiều đặc tính nổi trội hơn so với những vật liệu truyền thống. Những đặc tính ưu việt mà tấm lợp lấy sáng sở hữu đó là:
- Khả năng truyền sáng: Ưu điểm đầu tiên phải kể đến là khả năng truyền sáng của những tấm lợp này rất cao, thường đạt trên 90%. Do đó, việc sử dụng tấm lợp lấy sáng sẽ giúp người dùng tận dụng nguồn sáng từ thiên nhiên một cách tối đa, từ đó tiết kiệm được một lượng lớn điện năng.
- Dễ thi công: Vật liệu tấm lợp thường mỏng nhẹ nên việc di chuyển sẽ rất thuận tiện, không tốn quá nhiều sức lực và thời gian. Đồng thời, việc cắt xẻ, tạo hình cũng rất dễ dàng.
- Tính thẩm mỹ cao: So với kính cường lực hay các loại ngói lợp mái thì tấm lợp lấy sáng thường có nhiều màu sắc giúp nâng cao tính thẩm mỹ, từ đó công trình của bạn sẽ trở nên đẹp hấp dẫn hơn.
- Chịu lực, chịu nhiệt cao: Các loại tấm lấy sáng thường có cấu tạo vững chắc, vật liệu cứng cáp, có khả năng chống đỡ và chịu lực va đập tốt.
3 Loại tấm lợp lấy sáng phổ biến nhất hiện nay
Tấm Mica Acrylic, tấm Composite và tấm Polycarbonate, được xem là những loại tấm lợp lấy sáng phổ biến nhất hiện nay, cụ thể:
Tấm lợp lấy sáng Mica Acrylic
Tấm Mica Acrylic hay còn gọi là tấm nhựa Mica được tạo ra từ quá trình tinh chế dầu mỏ. Tấm Mica có tỉ trọng chỉ bằng một nửa tấm thủy tinh do đó trọng lượng của vật liệu này khá nhẹ. Độ dày tấm khoảng 3mm nên có khả năng cho ánh sáng đi qua đạt 98%; độ bền và chịu lực khá cao, gấp 17 lần so với tấm thủy tinh. Tấm mica có nhiều màu sắc, bề mặt bằng phẳng, dễ uốn cong và cắt gọt.
Để làm tấm lợp lấy sáng hiệu quả người dùng thường chọn các loại có màu sắc tươi sáng như: trong suốt, trắng ngà, trắng sữa. Tấm mica có bán trên thị trường khá rẻ, phù hợp với nhiều mục đích cũng như nhiều công trình.
Song song với ưu điểm thì tấm mica cũng có một số nhược điểm đáng lưu ý như: Bề mặt tấm mica dễ bị trầy xước, dễ bị nứt vỡ khi bị lực tác động mạnh, độ bền không quá cao. Do đó, không nên lựa chọn loại vật liệu này để làm tấm lợp lấy sáng cho các công trình kiên cố, cần vật liệu có độ bền lâu dài. Những công trình kiên cố được kể đến như các tòa nhà hành chính, khách sạn, khu dân cư.
Ngoài ứng dụng làm tấm lợp lấy sáng thì tấm nhựa Mica còn được dùng để làm bảng quảng cáo, thiết kế tranh ảnh điện; làm biển chỉ dẫn, số nhà, số phòng; trang trí cho các trung tâm thương mại, khách sạn, rạp chiếu phim, siêu thị; dùng cho một số đồ vật trong nhà…
Tấm lợp lấy sáng Composite
Một trong những tấm lợp lấy sáng được nhiều người lựa chọn sử dụng đó chính là tấm Composite. Vật liệu này được cấu tạo bởi những thành phần chủ yếu như: sợi thủy tinh, sợi cacbon, sợi nhựa tổng hợp và sợi khoáng chất. Sở dĩ vật liệu Composite được ứng dụng để làm tấm lợp lấy sáng là vì nó có độ bền cao, khả năng lấy sáng đạt tỉ lệ trên 90%, ngoài ra còn cách điện, cách nhiệt tốt, không gây hại đến sức khỏe con người.
Tấm Composite thường có giá thành đắt hơn so với những loại vật liệu khác, do đó vật liệu thường được áp dụng cho những công trình có chi phí cao. Còn các công trình dân dụng thì người dùng nên lựa chọn tấm poly hoặc tấm mica để giúp giảm chi phí.
Vật liệu Composite có tính chất là chống bị mài mòn bởi hóa chất, axit, các tác động xấu từ môi trường ngoài khá tốt. Do đó, rất phù hợp cho các công trình ven biển. Tấm Composite còn có khả năng chịu nhiệt và chống ồn tốt nên phù hợp với những nơi cần cách âm, cách nhiệt, chống cháy cao như: Tòa nhà hội họp, quán karaoke, quán bar, trường học.
Tấm lợp lấy sáng Polycarbonate
Tấm Polycarbonate hay còn được gọi là tấm Poly, được làm từ các phân tử nhựa nguyên sinh. Chúng liên kết với nhau giúp cho vật liệu trở nên bền bỉ và chịu lực tốt. Đây được xem là tấm lợp lấy sáng có độ bền tốt nhất trong tất cả các loại tấm lợp, đặc biệt là tấm poly đặc ruột.
Tấm Polycarbonate có 3 loại cơ bản là dạng tôn sóng, rỗng ruột và đặc ruột.
Tấm Polycarbonate rỗng ruột: Vật liệu được cấu tạo từ nhiều thành phần khác nhau, các lớp Polycarbonate được xếp chồng lên nhau và có các khoảng trống ở giữa. Tấm Poly rỗng ruột có đặc tính nổi trội là có độ bền cao, khả năng cường lực cao gấp nhiều lần so với kính cường lực.
Tấm Polycarbonate đặc ruột: Vật liệu này được cấu tạo bởi nhóm cacbonat và polymer, chúng liên kết chặt chẽ với nhau nên tấm Poly có độ bền rất cao. Độ trong suốt của tấm Poly gần bằng so với tấm kính, đồng thời có tính cách nhiệt, cách điện tốt.
Tôn sóng Polycarbonate: Tôn sóng được tạo thành từ chất liệu poly, có hình dạng giống như mái tôn kim loại truyền thống. Những hình dạng của tôn sóng được kể đến như sóng nước, bước sóng hình tròn, bước sóng hình vuông. Tương tự như những tấm Poly khác, Tôn sóng Polycarbonate có những ưu điểm như độ bền cao, khả năng chống cháy, cách nhiệt tốt.
Với những ưu điểm nói trên, tấm Poly được ứng dụng nhiều để làm tấm lợp lấy sáng. Vật liệu này có độ bền tốt nhất nên thường được dùng để làm tấm lợp lấy sáng cho các công trình đòi hỏi sự kiên cố hoặc những gia đình sống ở những khu vực có thời tiết bất ổn, nắng mưa, gió bão thất thường.
Nên chọn tấm lợp lấy sáng loại nào tốt nhất?
Mỗi loại tấm lợp lấy sáng sẽ có những ưu điểm vượt trội khác nhau. Vì vậy, để vật liệu phát huy hết công năng của nó thì người dùng cần lưu ý những điểm sau:
- Lựa chọn tấm lợp lấy sáng có màu trong suốt sẽ cho ánh sáng truyền qua nhiều hơn so với những tấm lợp có màu tối.
- Người dùng nên xác định và tính toán tuổi thọ của từng công trình để chọn loại tấm lợp phù hợp. Ví dụ những công trình ngắn hạn thì nên chọn tấm mica hoặc tấm lợp có dạng rỗng, những công trình dài hạn nên chọn tấm Polycarbonate.
- Xem xét vị trí và thời tiết cũng là những yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn vật liệu. Những công trình xây dựng gần biển và có thời tiết nóng nực, mưa gió thất thường thì nên chọn tấm Composite, vì nó có khả năng chống bào mòn tốt.
- Lựa chọn màu sắc phù hợp với công trình, ví dụ như: Màu trắng thường dùng trong ứng dụng lợp nhà kính trồng hoa, trồng rau, giúp hấp thụ ánh sáng tốt hơn; Màu xanh áp dụng cho những công trình như bể bơi, nhà xe, mái hiên, sân vận động tạo cảm giác thoáng đãng và xanh mát; Màu tối dùng cho các công trình nhà xưởng bởi vì cần sự râm mát, những màu được kể đến như nâu trà, màu tím nhạt…
Không thể khẳng định chính xác loại vật liệu nào tốt nhất, bởi vì mỗi loại tấm lợp lấy sáng đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Tấm lợp tốt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: Mục đích xây dựng, thời gian sử dụng, môi trường lắp đặt, thương hiệu sản phẩm…
Tấm lợp lấy sáng được xem là một loại vật liệu thông minh, hữu ích với đời sống con người. Do đó, người dùng có thể lựa chọn loại vật liệu này cho các công trình nhà ở để đem lại cho bạn một không gian rộng rãi, thoáng mát.
Bạn cần biết:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!